LẮNG NGHE VÀ TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM KHÁC BIỆT – SẼ LÀ MỘT CÁI BẪY NGUY HIỂM NẾU…..

Người ta thường nói, người lãnh đạo phải biết lắng nghe và tôn trọng các quan điểm khác biệt. Đúng là như vậy! Người lãnh đạo mà không biết lắng nghe là người độc đoán, dễ rơi vào trạng thái “chủ quan, duy ý chí”. Không lắng nghe, sẽ không có đủ thông tin để phân tích và không biết đúng sai, dẫn tới việc ra quyết định sai lầm. Không tôn trọng quan điểm khác biệt, đội ngũ dễ xung đột và sẽ sớm tan rã…

Tuy vậy, chỗ này cũng là MỘT CÁI BẪY mà nhiều người không hiểu thấu đáo sẽ cứ dựa vào đó mà làm theo, để được tiếng là tôi luôn lắng nghe (và luôn thấu hiểu), tôi luôn tôn trọng quan điểm của người khác nên không tranh cãi…

Cần hiểu rằng, lắng nghe KHÔNG có nghĩa là phải NGHE THEO. Người thủ lĩnh lắng nghe nhiều người, nhiều ý kiến để có đủ thông tin, nhưng cuối cùng chính mình phải ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Quyết định đó có thể trái với ý kiến hay mong đợi của một số người, của nhiều người, thậm chí không trùng với ý kiến của bất kỳ ai, miễn là nó vì lợi ích cao nhất của tổ chức, được cân nhắc kỹ khi ra quyết định, và ra quyết định bằng sự chính trực, bằng cái tâm trong sáng, và bằng trí tuệ minh mẫn.

Đứng trên vai trò và góc nhìn của người thủ lĩnh (doanh chủ, CEO, chủ tịch HĐQT, các thủ lĩnh phòng, ban, đội nhóm…), họ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và những vấn đề ở tầm cao hơn (mà người ở các vị trí thấp hơn có thể không thể thấy được). Do vậy, đôi khi, có những quyết định của họ, cấp dưới không thể hiểu được. Chỉ sau một thời gian thì kết quả mới giúp minh chứng cho quyết định đó.

Còn tôn trọng quan điểm khác biệt phải hiểu cho đúng là TÔN TRỌNG QUYỀN NÊU QUAN ĐIỂM KHÁC BIỆT, chứ không phải là tôn trọng và đồng tình với mọi quan điểm khác biệt. Nếu người lãnh đạo mà nghe quan điểm nào cũng gật, cũng tôn trọng đến mức không dám tranh luận hay bác bỏ (tôi nhấn mạnh cả từ BÁC BỎ) thì đó là một người “BA PHẢI”, không thể làm lãnh đạo!

Tôn trọng quyền nêu quan điểm của người khác để không cảm thấy khó chịu hay tổn thương, nhưng cuối cùng, người thủ lĩnh vẫn phải bảo vệ một quan điểm đúng nào đó (có thể là của mình, có thể là của một người trong số những người nêu quan điểm), chứ không thể xuê xoa, ậm ừ, đồng ý với tất cả các quan điểm!

Làm lãnh đạo phải quyết đoán, phải lắng nghe, phải cho phép người khác nêu quan điểm, nhưng cuối cùng, người lãnh đạo vẫn phải có quan điểm riêng của mình (có thể giống hoặc khác), và phải ra quyết định, không thể cứ ngập ngừng, chần chừ một cách bất tận.

Tôi muốn nhắc lại một ý mà tôi vẫn luôn nói về tính quyết đoán và ra quyết định của người thủ lĩnh:

– Quyết định tốt nhất là một QĐ đúng!
– QĐ tốt thứ nhì là một QĐ sai!
– QĐ tệ nhất là chẳng dám quyết định gì cả.

Mọi người đồng ý không?

Tác giả: Long Nguyen Huu

  • Share this post

Leave a Comment